Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

'Đại gia' Đặng Thành Tâm bật bãi khỏi ngân hàng, tìm đường thoát

Ngân hàng dường như không còn là con gà đẻ trứng vàng, chưa kể rủi ro là khá lớn. Các đại gia một thời mê mẩn với lĩnh vực này, giờ âm thầm thoái lui. Sự ra đi của các nhà đầu tư lớn cùng với quá trình tái cấu trúc khiến giới đầu tư khó đoán định được tương lai của các doanh nghiệp sân sau - một thời sống nhờ vào bầu sữa vốn của ngân hàng có chung ông chủ.

Âm thầm thoái vốn

Hơi muộn nhưng cuối cùng ngày 15/11 Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2012 và 9 tháng đầu năm. Theo đó, KBC lỗ hơn 132 tỷ đồng trong quý III và lỗ ròng hơn 233 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Trước đó, quý II, KBC đã lỗ gần 120 tỷ đồng và vẫn đang trong tình trạng khó khăn khi mà các khoản nợ đang đè trên vai rất lớn lên tới 5-7 ngàn tỷ đồng và tình hình kinh tế chung chưa hết khó khăn.

Điều thu hút sự quan tâm của nhiều người là doanh nghiệp (DN) luôn gắn liền với tên tuổi của đại gia Đặng Thành Tâm đã thoái toàn bộ hơn 26,55 triệu cổ phần của Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) trong quý III này.

Bên cạnh đó là khoản tồn kho tăng tới hơn 1.200 đồng so với đầu năm lên gần 7.100 đồng và tổng nợ phải trả của KBC ở thời điểm 30/9 là 6.688 tỷ đồng (tăng so với mức 6.635 tỷ đồng hồi đầu năm).

Trên thực tế, ngay hồi đầu tháng 9, KBC đã lên tiếng về thông tin sở hữu chéo ngân hàng, khẳng định doanh nghiệp không còn sở hữu cổ phần Western Bank cho dù trước đó, báo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2012, tại 31/3 cho thấy KBC nắm giữ 26,55 triệu cổ phần, tương đương 8,85% vốn điều lệ Western Bank.

Cũng trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 6/9, KBC cho biết tính tới thời điểm đó, Công ty mẹ và công ty con mà KBC là cổ đông lớn đều không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Western Bank. Khi đó, theo giải trình, KBC vẫn là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Viễn thông Sài Gòn (SGT), nhưng SGT cũng không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của WB.

Trước đó, hồi trung tuần tháng 8, trên thị trường xuất hiện thông tin cho rằng nhóm cổ đông lớn ngân hàng này đã tiến hành thương thảo và thực hiện chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Thông tin là chưa chính thức nhưng giới đầu tư cho rằng nhiều khả năng nhóm cổ đông mới đến từ Công ty tài chính dầu khí - PVFC.

Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, hôm 6/11 đã bán hơn 9,7 triệu cổ phiếu Ngân hàng Eximbank (EIB), giảm số cổ phiếu nắm giữ xuống còn khoảng 48,5 triệu đơn vị (chiếm 3,93% vốn điều lệ)
Thông báo thoái vốn của ACBS diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) chứng kiến giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB trong hơn 1 tháng qua ở mức rất lớn, trên 130 đơn vị được chuyển nhượng mà không có thông tin mua bán của các cổ đông lớn.

Trước đó, hồi tháng 3-4, giới đầu tư đã chứng kiến giao dịch bất thường cổ phiếu HBB của Ngân hàng Habubank và sau đó là vụ sáp nhập HBB vào Ngân hàng SHB hồi tháng 8 vừa qua, cùng với sự rút lui của nguyên chủ tịch HĐQT Habubank Nguyễn Văn Bảng.

Các vụ giao dịch mua-bán với khối lượng khổng lồ, với không ít giao dịch theo kiểu chui, lén, kéo dài từ năm 2011 quá nửa năm 2012 của cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank cùng với sự rút lui của đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành (từ nhiệm Chủ tịch, từ nhiệm thành viên HĐQT) cũng là một ví dụ cho thấy những biến động mạnh trong các ngân hàng - vốn một thời được coi là vùng đất mầu mỡ cho các đại gia, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp “sân sau”khó sống?

Mỗi cổ đông lớn thoái vốn vì một lý do nhưng điều mà giới đầu tư quan tâm là tương lai của các doanh nghiệp vốn một thời sống nhờ vào bầu sữa vốn của ngân hàng “ruột” sẽ như thế nào khi mà tình hình sở hữu tại các ngân hàng biến động mạnh như vậy?

Trong trường hợp KBC, tính tới thời điểm 30/9 tổng nợ phải trả của DN này tiếp tục tăng từ mức 6.460 tỷ đồng hồi cuối quý II lên 6.688 tỷ đồng.

Trong 3 năm trước đó, nợ phải trả của KBC cũng liên tục tăng và luôn ở mức gấp khoảng 1,5 lần so với vốn chủ sở hữu, trong khi nguồn tiền mặt suy giảm.

Vấn đề mà nhiều người đặt ra là trong quá khứ các doanh nghiệp liên quan tới ngân hàng có vay nợ lớn ở các ngân hàng này thì các khoản nợ này sẽ được xử lý ra sao nếu sở hữu ở ngân hàng thay đổi, doanh nghiệp không còn là “ông chủ” của ngân hàng nữa?

Theo báo cáo quý III, cho tới 30/9/2012, KBC còn vay dài hạn ngân hàng 401 tỷ (tăng so với mức 387,6 tỷ cuối 2011), vay dài hạn từ bên liên quan 436,4 tỷ (tăng so với 219,4 tỷ đồng cuối 2011); trái phiếu không đổi ở mức 3.000 tỷ đồng.


 Trong các khoản vay ngân hàng, KBC vẫn đang vay Western Bank 320 tỷ đồng với lãi suất 18%/năm, vay Ngân hàng Navibank 116,4 tỷ đồng với lãi suất từ 21,1-22,7%/năm và vay Ngân hàng Công thương 400,1 tỷ đồng lãi 15-18%/năm.

Đặc biệt trong số 3.000 tỷ đồng trái phiếu, với 10 loại trái phiếu gồm 7 trái phiếu KBC Bond 1 cho tới KBC Bond 7 phát hành cho Ngân hàng Western Bank (5 khoản, trị giá 1.500 tỷ vay), 1 khoản phát hành cho Vietcombank (700 tỷ) và 1 khoản phát hành cho BIDV (500 tỷ) và 3 trái phiếu phát hành cho Ngân hàng Navibank với trị giá 300 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, gần như toàn bộ tài sản đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu nói trên được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn huy động, đảm bảo bằng tài sản hình thành từ chi phí đầu tư cho khu công nghiệp và đảm bảo bằng 12,63 triệu cổ phiếu SGT và 9,25 triệu cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm. Ba khoản vay Navibank được đảm bảo bởi quyền sử dụng 1 số lô đất.

Như vậy, với những tuyên bố đại loại như không còn trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu cổ phần ngân hàng, nhiều cổ đông nhỏ lẻ của các doanh nghiệp vốn một thời được coi là đối tượng ưu tiên của ngân hàng tỏ ra khá lo lắng.
Không ít cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc “nhóm này” của nhiều đại gia bị bán ra không thương tiếc trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, những lo ngại vẫn được đặt ra nhiều hơn với các mã mà doanh nghiệp liên quan tới ngân hàng hoặc có ông chủ làm ngân hàng. Trong 3 tháng gần đây, cổ phiếu KBC đã rớt khoảng 50%, từ mức trên 10.000 đồng xuống chỉ còn hơn 5.000 đồng/cp, tính trong 6 tháng mức giảm là khoảng 70-80%, còn 3 năm qua cổ phiếu này giảm khoảng 12 lần. Nhiều mã có cảnh ngộ gần tương tự trong các lĩnh vực như BĐS, chứng khoán, mía đường… cũng rớt giá khá mạnh.




Chia sẻ bài viết này

0 phản hồi

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2012 Tư Sang tráo trở
Posts RSS Comments RSS
Back to top